News & Discovery

Phát hiện lại loài chim cực hiếm ở Việt Nam tại VQG Tràm Chim

Già đẫy lớn (Già sói, Cò sói) có tên khoa học là Leptotilos dubius thuộc họ Ciconiidae. Là loài chim có kích thước rất lớn, sống ở các vùng rừng đầm lầy ở châu Á. Theo ước tính của Birdlife International (2018) thì quần thể loài này có khoảng 800-1200 cá thể bao gôm 650-800 ở Assam (Ấn Độ), 150-200 cá thể ở Campuchia và 156 cá thể ở Bihar (Ấn Độ). Sách đỏ IUCN xếp Già đẫy lớn vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu (Endangered).

Tại Việt Nam, các ghi nhận về loài này đều ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng không rõ ràng về số lượng cụ thể. Delacour & Jabouille (1931), Tirant (1879) thì cho rằng loài này có khả năng có vùng sinh sản tại tỉnh Minh Hải, trong khi đó Luthin (1987) và Scott (1989) thì cho rằng Già đẫy lớn rất hiếm và chưa có ghi nhận nào về sinh sản ở ĐBSCL.

Các thông tin ghi nhận gần đây về loài này ở Việt Nam chỉ có một cá thể được quan sát từ ngày 4 đến 12 tháng 3 năm 1988 (không tác giả) và một cá thể khác cũng được quan sát tại VQG Tràm Chim ngày 30 tháng 12 năm 1992 bởi Glen Morris (Robson, 1993).

Còn theo sách Chim Việt Nam (sách đã tiêu huỷ) do Nguyễn Lân Hùng Sơn chủ biên (2017) -  thì cho rằng Già đẫy lớn có ở Nam Bộ, Nam và Tung Trung Bộ; càng lên phía bắc càng hiếm dần.

Chính vì thông tin mơ hồ như ở trên mà dữ liệu tại http://birdwatchingvietnam.net đã đưa loài này ra khỏi danh sách Chim Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 17 tháng 8 năm 2018, ít nhất một cá thể Già đẫy lớn được quan sát tại VQG Tràm Chim do nhóm cán bộ Phòng Bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn đi khảo sát. Thông tin rất đáng mừng cho sự hiện diện của loài này cũng như việc bảo tồn các loài chim ở Việt Nam.

Già đẫy lớn
Già đẫy lớn tại VQG Tràm Chim - Ảnh: Nguyễn Thị Nga

 

Nói về sự tuyệt chủng các loài chim, Việt Nam có tốc độ tuyệt chủng rất cao. Rất nhiều loài trước đây được cho là phổ biến thì trong vòng 20 năm trở lại đây đã không còn được nhìn thấy ở Việt Nam nữa, trong đó các loài có kích thước lớn và đặc biệt các loài chim nước lớn có tốc độ suy giảm quần thể cao nhất, những loài lâu lắm rồi không được nhìn thấy ở Việt Nam bao gồm:

- Quắm lớn (Pseudibis gigantea), chỉ ghi nhận 1 lần tại VQG Yok Đôn (Birdlife Indochina, 2003).

- Quắm cánh xanh (Pseudibis davisoni) ghi nhận cá thể đơn lẻ tại Cát Tiên (1997), Đồng Hà Tiên (1999) và Yok Đôn (2003).

- Ô tác, Công đất, Công sấm (Houbaropsis bengalensis), lần cuối cùng được nhìn thấy có lẽ là tại VQG Tràm Chim năm 1996.

- Hay như Sếu đầu đỏ (Antigone antigone) từ số lượng quần thể hơn 1000 cá thể năm 1988 nay chỉ còn một vài cá thể. Và rất nhiều loài khác không thể kể hết cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự ở Việt Nam, ngay cả những loài rất phổ biến như Diệc xám, Diệc lửa giờ đây cũng đã trở nên hiếm.

Nguyên nhân về sự tuyệt chủng của các loài chim nói trên có thể gói gọn trong 2 nguyên nhân chính, đó là mất môi trường sống và việc săn bắn khai thác động vật hoang dã. Đô thị hoá và phát triển nông nghiệp thâm canh dã tàn phá gần như toàn bộ sinh cảnh sống của động vật hoang dã nói chung và chim nói riêng. Thêm vào đó, thói quen (văn hoá) ăn uống kiểu tận diệt đã đe doạ nghiêm trọng đến sự tồn vong của các loài chim. 

Chợ chim
Chợ chim hoang dã luôn tấp nập khách, với kiểu săn bắt và ăn uống như thế này đã tàn phá thiên nhiên và đẩy nhiều loài chim đến với sự tuyệt chủng. Trong khi đó pháp luật và quy định Nhà nước thì không thể giải quyết được vấn nạn. Ăn động vật hoang dã còn mang lại nguy cơ lây và phát tán nhiều bệnh mà chúng ta không lường trước được - Ảnh: Nguyễn Hoài Bảo

 

 

Contributors